NHÀ THỜ HỌ ĐOÀN TẠI XÓM TÀU SƠN, XÃ SƠN THỦY

(nay là xóm Xuân Thủy, xã Kim Hoa – Huyện Hương Sơn, Tỉnh Hà Tĩnh)

 

1.XÂY DỰNG NHÀ THỜ

 

                                                           Rú Trúc, nơi xây dựng Nhà Thờ Họ Đoàn đầu tiên

             

          Để có nơi Thờ Cúng, tưởng nhớ Tổ Tiên, các bậc tiền bối đã lập Nhà Thờ Họ Đoàn ngay từ khi có điều kiện. Theo ghi chép lại thì Nhà Thờ Họ Đoàn tại xóm Tàu Sơn, xã Sơn Thủy được chính thức được lập từ đời thứ 3 là Cụ tổ Đoàn Minh Quý (khoảng năm 1725 đến 1780), là con trai trưởng của cụ tổ đời thứ 2 là cụ Đoàn Minh Công và định cư ở xóm Tàu Sơn, xã Sơn Thủy, nay là xóm Xuân Thủy xã Kim Hoa. Cụ Đoàn Minh Quý đã lập Nhà Thờ riêng để Thờ Cúng Tổ Tiên thay cho việc Thờ Cúng chung trong nhà.  

      Vì thế, đến cuối thế kỷ XIX các bậc tiên tổ đã góp công, của xây nhà thờ và kể từ khi phát mộc đến 2 năm sau vào năm 1888 nhà thờ hoàn thành và tọa lạc tại Rú Trúc (Rú Trúc là đất hương hỏa của họ). Nhà Thờ này được khởi công xây dựng vào mùa Thu năm Bính Thân (1886) (Hiện ở cây Trắm gian giữa của nhà Thờ có dòng chữ Nho khảm bằng mảnh sành hoa là “Bính Thân niên Thu tạo tác”, nghĩa là “Xây dựng vào mùa Thu năm Bính Thân”), tức năm 1886.

Nhà Thờ là một quần thể đồ sộ, uy nghi được làm bằng gỗ mít (1 loại gỗ quí có nhiều tại quê nhà, đẹp và bền), chạm trổ tinh vi, cầu kì; gồm 2 nhà loại 3 gian 2 chái là Thượng điện và Bái đường,

Với việc xây dựng quần thể Nhà Thờ đồ sộ, uy nghi như trên đã thể hiện chẳng những là tấm lòng của thế hệ Cha Ông đối với Tổ Tiên, mà còn là 1 sự cố gắng, đóng góp sức người, sức của vô cùng to lớn của Cha Ông; đồng thời cũng thể hiện khả năng kinh tế của dòng Họ Đoàn tại xã Sơn Thủy thời ấy.

Nhà Thờ ban đầu được tọa tại Rú Trúc, 1 ngọn núi tương đối cao, uy nghi tại xóm Tàu Sơn. Nơi đây từng có phong trào đấu tranh và đã giành thắng lợi của cha ông trong việc đòi xóa bỏ đồn duy nhất ở khu vực của bọn thực dân Pháp được dựng phía sau nhà Thờ trong cuộc Khởi nghĩa Hương Khê (1885-1896) của cụ Phan Đình Phùng.

Nhà Thờ được bố trí 3 ban Thờ ở 3 gian của Thượng điện tương ứng với 3 Chi của Họ với đầy đủ bàn thờ và dụng cụ đựng lễ vật Cúng Tế trang nghiêm, đồ sộ. Vách trong Nhà Thờ có các bức hoành son thiếp vàng, ghi chữ Hán Nôm.

Nhà Thờ tổ chức Tế Lễ Tổ Tiên trong các dịp: Tết Nguyên đán, Rằm Tháng Giêng, Rằm Tháng Bảy. Dù trong hoàn cảnh nào, các Lễ Tế đều được thực hiện đầy đủ với nghi thức gồm mấy chục lễ kính cẩn, nghiêm trang. Các Thành viên trong Họ đa số đều tề tựu đông đủ vào các dịp Tế Lễ này để dâng hương Tổ Tiên.

 

                                                                                              2.DI DỜI VÀ TU SỬA NHÀ THỜ

 

                                                                       Nhà Thờ Họ Đoàn hiện tại

 

         Do nhà Thờ đặt tại nơi cao của Rú Trúc nên lối lên Nhà Thờ luôn bị nước chảy gây hư hại khi mùa mưa, và cũng do ở nơi khá cao nên đã gây khó khăn trong đi lại cho các bậc cao tuổi trong Họ, xa nhà ở của Tộc trưởng nên việc trông coi gặp trở ngại, nên năm 1957, các bậc cha chú lúc bấy giờ, dưới sự chủ trì của Tộc trưởng Đoàn Ngọc Phức, đã quyết định di dời Nhà Thờ Họ Đoàn từ Rú Trúc về nơi hiện tại, vốn là khu đất vườn nhà do Tộc trưởng Đoàn Ngọc Phức  hiến tặng.

Từ khi chuyển nhà thờ về địa điểm mới con cháu đỡ vất vả mỗi kỳ tế lễ, Họ lại có đất để làm nghĩa địa. Do vậy, được khoảng 6 năm 1957- 1963 việc tế lễ, tôn tạo nhà thờ được quan tâm. Tuy nhiên sau đó, khoảng từ năm 1963 đến 1977 do điều kiện kinh tế khó khăn hơn nữa đây cũng là thời gian chúng ta tập trung sức người sức của cho cuộc chiến tranh chống Mỹ, giải phóng miền Nam, Miền Bắc thực hiện cơ chế bao cấp, do vậy gần như tất cả các họ đều không dành nhiều thời gian cho thờ tự, hương khói. Cũng rất may mắn, phúc tổ cho họ Đoàn là thời kỳ này các bậc cha chú đã quyết định mua trụ sở Cửa hàng mua bán của xã về làm Bái đường của họ. Dẫu rằng lúc ấy họ rất nghèo. Chúng ta còn nhớ Xã hóa giá, trụ sở cửa hàng có 75 đồng, mà họ chỉ góp được 40 đồng. Tuy vậy ông Đoàn Ngọc Cẩn, Đoàn Thúc, Đoàn Thức, Đoàn Thiềm, Đoàn Kỉnh va Đoàn Minh Cửu vẫn quyết tâm mua. Vì thấy Hội đồng gia tộc của họ Đoàn quyết tâm mua mà không đủ tiền nên UBHC xã đã cho nợ và sau đó xóa nợ.

Kể từ đó quần thể nhà thờ có Thượng điện, Hạ Điện và Bái đường Can Gia hậu. Đây là quần thể nhà thờ có nét đặc biệt vừa có nơi thờ tự tổ tiên vừa là khu lăng mộ của và nơi thờ tự của bậc tiên tổ có rất nhiều công lao, an đức cho họ hàng và xóm làng.

Tuy nhiên, như đã nói sau khi mua được cửa hàng mua bán xã về làm Bái đường thì Họ cũng không còn nguồn lực để duy trì và phát triển. Đến những năm 90 của thế kỷ XX, được sự hỗ trợ của một số con cháu Hội đồng gia tộc của họ mới có kế hoạch sửa chữa khuôn viên nhà thờ nhưng do tiềm lực có hạn nên cũng chỉ dám lau chùi, sơn  sửa hoặc xây lại bờ rào, chỉnh trang lối lên xuống….

 

 

3.NHÀ THỜ HỌ ĐOÀN – DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA

 

 

 

        Đến đầu thế kỷ XXI, do kinh tế dần hồi phục, con cháu đi xa làm ăn khá, có điều kiện hỗ trợ, lúc này Họ mới có điều kiện vạch ra các kế hoach dài hơi về tu bổ nhà thờ.. Lúc này kế học đặt ra là trong thời gian từ 2010- 2012 nhà thờ phải được công nhận  là Di tích Lịch sử- Văn hóa cấp tỉnh. Muốn đạt được danh hiệu này tối thiểu phải đạt 3 tiêu chí:

  1. Phải có Nhà thờ cổ (tức nhà thờ trên 100 tuổi)
  2. Phải xây dựng được Gia phả họ và Gia phả đó phải được công nhận
  3. Con cháu trong họ phải có tinh thần đoàn kế, thương yêu nhau và Họ phải giữ được truyền thống tế lễ định kỳ hàng năm.

 

       Đây là 3 tiêu chỉ không phải họ nào cũng có, nhất là nhà thờ và Gia phả. Đối chiếu các tiêu chí trên, chúng ta có nhà thờ trên 130 tuổi, nay cần sửa sang, tôn tạo khuôn viên, còn Gia phả thì lúc đó chúng ta mới phôi thai và cần cố gắng. Do vậy, những năm 2007, 2008, 2009 Ban gia phả tập trung vào hoàn thành gia phả. Có thể nói cuốn gia phả ra đời năm 2009 là chuẩn bị điều kiện cho hoàn thành hồ sơ trình UBND tỉnh Hà Tĩnh Công nhận Họ Văn hóa. Cũng trong thời gian này Ban Xây dựng đã từng bước hoàn thành các hạng mục công trình như xây tường bao, làm cổng , làm ngõ, xây bờ kè và làm đường trước cổng.

Cũng trong thời gian này chúng ta đã thuê khoán các chuyên gia dịch các sắc phong của các triều đại Nhà Nguyễn về Tuyên dương công trạng của các cá nhân và tập thể ra tiếng Việt.

   Đến cuối năm 2009 về cơ bản chúng ta đã tích lũy đủ hồ sơ và đã trình Sở VHTT-DL tỉnh Hà Tĩnh để xin công nhận Danh hiệu họ Văn hóa. Trên cơ sở có đủ hồ sơ và khảo sát thực tế, tháng 6/2011 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định công nhận Nhà thờ họ Đoàn tại Xuân Thủy, Sơn Thủy đạt Danh hiệu Di tích Lịch sử- Văn hoá cấp tỉnh.

(Việc nhà thờ Họ Đoàn ta được công nhận Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp tỉnh này phải ghi nhận công đóng góp rất lớn và chủ yếu của ông Đoàn Minh Duệ -Tiến sĩ, Trưởng khoa Luật Đại học Vinh) 

 

4.TU SỬA LỚN NHÀ THỜ HỌ ĐOÀN 2014

 

     Sau khi được công nhân Di tích Lịch sử- Văn hóa, con cháu càng hướng về nhà thờ nhiều hơn, và một kế hoạch tôn tạo sửa chữa nhà thờ được vạch ra. Thật phúc phần cho họ trong lúc đang loay xoay tìm nguồn vốn thì một số thành viên trong Hội đồng gia tộc đã liên lạc và gặp được Ông Đoàn Bá Thuần, Đại tá, Giám đốc Công ty khai thác than 35 thuộc Tập đoàn than Đông Bắc. Sau khi trao đổi, thảo luận, Ông Đoàn Bá Thuần nhất trí, tự nguyện đầu tư một khoản tiền lớn để sửa chữa, tôn tạo nhà thờ và bái đường. Sau 2 tháng thi công việc sửa chữa, tôn tạo đã hoàn thành vào năm 2014.

     Từ đó đến nay, con cháu trong họ gần như không phải đầu tư sửa chữa lớn mà định kỳ hàng năm chỉ sửa chữa nhỏ, khuôn viên nhà thờ trở thành trung tâm sinh hoạt của con cháu trong họ và bà con lối xóm.

 

        Thế hệ con cháu chúng ta ngày nay càng trân trọng, hãnh diện sự nỗ lực của Tổ Tiên, Cha Ông trong việc xây dựng Nhà Thờ Họ Đoàn bao nhiêu thì càng phải cùng nhau nâng niu, gìn giữ, tu tạo Di tích thiêng liêng này bấy nhiêu.